Trang mạng của Viện Chính sách Kinh tế của Mỹ mới đây đăng tải đánh giá của chuyên gia J. Paul Leigh (Đại học California) về “Gánh nặng kinh tế từ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại Mỹ”. Ông Leigh cho biết, riêng nước Mỹ đã tiêu tốn 250 tỉ USD mỗi năm do tai nạn lao động và các căn bệnh nghề nghiệp.
![]() Xây dựng là một trong những lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ. Ảnh: Hải Nguyễn Số ca tử vong cao hơn cả bệnh ung thư Trung bình, có khoảng 23.000 vụ thương vong do tai nạn lao động diễn ra tại Mỹ mỗi ngày. Hàng năm, con số này tăng đến 8,5 triệu thương vong, và gây ra những chi phí lớn cho người lao động, cho gia đình họ và cho nền kinh tế. Giáo sư Leigh đánh giá thiệt hại kinh tế này vào khoảng 192 tỉ USD. Nhưng con số báo động chưa dừng ở đây, vì có hơn 5.000 ca tử vong liên quan đến các thương tật diễn ra trong khi làm việc. Song, người lao động không chỉ phải đối mặt với các thương vong do tai nạn lao động. Hàng trăm nghìn người lao động đã phải hứng chịu các căn bệnh nghề nghiệp, với chi phí 58 tỉ USD. Số người tử vong do bệnh nghề nghiệp, thậm chí, còn cao hơn cả từ tai nạn lao động, với ước tính hơn 53.000 người mỗi năm. Tổng số ca tử vong từ thương vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong năm 2007 tại Mỹ, theo nghiên cứu của chuyên gia Leigh đăng tháng 1.2013, là 59.102 người, cao hơn nhiều số người chết do tai nạn giao thông (43.945), ung thư vú (40.970), ung thư tiền luyệt tuyến (29.093), và các vụ án mạng hình sự (18.361). Thiếu sự quan tâm của xã hội Theo chuyên gia Mỹ Leigh, chi phí y tế do bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động tại Mỹ là rất lớn (67 tỉ USD), nhưng chưa thể sánh được với những thiệt hại về năng suất (183 tỉ USD), bao gồm các khoản thiệt hại thu nhập hiện tại và tương lai, các lợi ích đi kèm, và chi phí cho công việc gia đình (ví dụ nấu nướng, dọn dẹp, chăm lo trẻ em, sửa chữa nhà cửa…). Trong khi đó, một tính toán khác cho thấy tổng chi phí của các ca bệnh ung thư, bao gồm cả chi phí y tế và mất sức sản xuất, là 219 tỉ USD năm 2007, ít hơn 31 tỉ USD so với tổng thiệt hại từ bệnh nghề nghiệp và thương vong do tai nạn lao động. Song phần lớn các ước tính khác lại cho thấy, các khoản kinh phí cho nghiên cứu, y tế, chính sách và thậm chí là sự chú ý của công chúng đối với căn bệnh ung thư hay tiểu đường lớn hơn rất nhiều so với những gì được dành cho bệnh nghề nghiệp và thương vong do tai nạn lao động. Ví dụ, ngân sách hằng năm gần đây cho Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Lao động so với cho Viện Ung thư Quốc gia lần lượt là 0,3 tỉ USD và hơn 5 tỉ USD. Con số này cho thấy sự thiếu hụt đầu tư cho nghiên cứu nhằm ngăn chặn thương vong và bệnh nghề nghiệp. Nhân tố quan trọng của nền kinh tế xanh Năm 2012, nhân Ngày thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28.4), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Juan Somavia đã nhấn mạnh bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động phải trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển nền kinh tế đương đại sang nền kinh tế xanh. Hiện trên thế giới hàng năm có tới 160 triệu người bị bệnh nghề nghiệp, 2 triệu người lao động chết do tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp, 270 triệu tai nạn liên quan đến nghề nghiệp. Hơn 4% tổng GDP thế giới bị thiệt hại do các bệnh và tai nạn liên quan đến nghề nghiệp. Một báo cáo của ILO ước tính, tai nạn lao động chết một người mỗi 15 giây, 6000 người mỗi ngày và 2,2 triệu người mỗi năm. Số lượng nam giới chết vì tai nạn lao động cao gấp hai lần ở nữ giới vì họ thường phải đảm nhận những công việc nguy hiểm hơn. Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động thường là do sự bất cẩn của công nhân và sự thiếu quan tâm của giới chủ cũng như chính phủ. ILO cho biết những nước giàu thường thuê nhân công từ những nước nghèo hơn do tiền lương và các dịch vụ bảo hiểm tai nạn rẻ hơn rất nhiều. Hằng năm có khoảng 22.000 trẻ em chết vì tai nạn lao động trong thời gian mà đáng ra chúng phải đang cắp sách tới trường. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét